Những yếu tố ảnh hưởng Hiệu ứng mỏ neo

Tâm trạng

Nhiều nghiên cứu đã kết luận rằng tâm trạng buồn bã hoặc chán nản có thể khiến đối tượng đánh giá chính xác và cụ thể hơn.[46] Các nghiên cứu trước đó đã đưa ra giả thuyết rằng những người đang buồn sẽ có xu hướng "bám neo" ít hơn những người đang vui. Tuy nhiên, những nghiên cứu gần đây lại chỉ ra rằng nhóm tâm trạng xấu lại "bám neo" hơn những người có tâm trạng vui và bình thường.[47]

Kinh nghiệm

Những nghiên cứu ban đầu cho thấy rằng các chuyên gia (những người có kiến thức, kinh nghiệm hoặc chuyên môn cao trong lĩnh vực nào đó) sẽ có khả năng kháng lại hiệu ứng mỏ neo cao hơn.[9] Tuy nhiên, nhiều nghiên cứu khác đã chứng minh rằng dù đôi khi kinh nghiệm có thể làm giảm ảnh hưởng, các chuyên gia cũng rất dễ bị hiệu ứng này tác động. Trong một nghiên cứu về hiệu ứng mỏ neo trong các quyết định tư pháp, người ta nhận thấy rằng ngay cả các chuyên gia pháp lý có kinh nghiệm cũng bị ảnh hưởng bởi hiệu ứng mỏ neo, ngay cả khi các neo được cung cấp là tùy ý và không liên quan đến trường hợp được đề cập.[48] Ngoài ra, điều này cũng có liên quan đến thiết lập mục tiêu,[49] trong đó những người từng trải hơn sẽ đặt mục tiêu dựa trên kinh nghiệm của bản thân, từ đó ảnh hưởng đến kết quả cuối cùng sau đàm phán.[50]

Tính cách

Nghiên cứu đã cho thấy mối tương quan giữa tính nhạy với neo và hầu hết năm đặc điểm tính cách lớn. Những người có tính thân thiện và tận tâm cao "bám neo" nhiều hơn những người có tính hướng ngoại cao.[51] Một nghiên cứu khác cho thấy những người cởi mở với trải nghiệm mới cũng rất dễ bị ảnh hưởng bởi hiệu ứng này.[52]

Khả năng nhận thức

Tác động của khả năng nhận thức đối với hiệu ứng mỏ neo hiện vẫn đang được tranh cãi. Một nghiên cứu gần đây về mức độ sẵn sàng chi trả cho hàng hóa tiêu dùng chỉ ra rằng hiệu ứng mỏ neo suy giảm ảnh hưởng với những người có khả năng nhận thức tốt hơn, dù không biến mất hẳn.[53] Tuy nhiên, một nghiên cứu khác lại cho thấy khả năng nhận thức ảnh hưởng không đáng kể đến độ "bám neo".[54]

Tự tin thái quá

Sự tự phụ, hay tự tin thái quá phát sinh từ các yếu tố khác như các tính chất về nhận thức cá nhân (kiến thức, khả năng ra quyết định,...), làm giảm xác suất tìm kiếm thêm thông tin từ những nguồn bên ngoài. Yếu tố này cũng đã được chứng minh là sẽ xuất hiện trong các nhiệm vụ có độ khó cao hơn. Ngay cả các chuyên gia trong lĩnh vực cũng có thể là con mồi của những hành vi tự tin thái quá này và do đó, cũng cần phải nỗ lực loại bỏ chúng. Tiếp nối những nghiên cứu về ước tính dưới điều kiện không cố định, dù nhiều nỗ lực ngăn chặn sự tự phụ đã không thành công,[55] nghiên cứu của Tversky và Kahneman (1971) đã đề xuất một giải pháp hiệu quả: khiến đối tượng thả neo để khiến họ bớt tự tin quá mức vào phán đoán của mình.[56]